Viêm da cơ địa là một vấn đề da liễu phổ biến khiến nhiều người cảm thấy tự ti vì làn da sần sùi nhưng thường mắc phải nhiều hiểu lầm với nhiều người. Trong video này, Blog Sống Khỏe sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tình trạng da này từ những triệu chứng cần chú ý đến cách điều trị viêm da cơ địa hiệu quả. Hãy cùng Blog Sống Khỏe khám phá chi tiết về bệnh viêm da cơ địa và cách chăm sóc cho làn da của bạn trong 10 phút tới với những nội dung sau:
- Viêm da cơ địa là gì?
- Triệu chứng của viêm da cơ địa
- Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa
- Biến chứng của viêm da cơ địa
- Cách điều trị bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa là một loại bệnh viêm da mạn tính có tính chất di truyền và thường gây ra những triệu chứng khó chịu như ngứa da. Tình trạng có cơ chế sinh bệnh khá phức tạp và liên quan đến sự hoạt động bất thường của hệ miễn dịch và biểu bì da, cũng như ảnh hưởng của các yếu tố môi trường.
Bệnh viêm da cơ địa thường là một tình trạng da mạn tính, có khả năng tái phát. Điều này có thể gây ra sự bất tiện và không thoải mái cho người bệnh mắc viêm da cơ địa. Tuy nhiên, thông qua việc tìm hiểu rõ về bệnh này và cách điều trị hiệu quả, chúng ta có thể giảm bớt sự khó chịu và cải thiện tình trạng da của mình.
Thực chất bệnh viêm da cơ địa là một dạng bệnh đặc biệt của bệnh chàm như viêm da tiếp xúc, bệnh tổ đỉa, viêm da thần kinh, viêm da ứ nước, nứt nẻ da tay chân,… Nhưng thông thường bệnh viêm da cơ địa thường gặp ở trẻ sơ sinh và sau đó triệu chứng sẽ giảm đáng kể ở tuổi trưởng thành.
Triệu chứng của viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa là một tình trạng viêm da với nhiều triệu chứng đặc trưng và còn tùy thuộc vào độ tuổi và giai đoạn bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Dưới đây là mô tả chi tiết về các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa thường gặp:
Triệu chứng ở trẻ sơ sinh (0 – 1 tuổi)
– Ban đỏ và tróc vảy: khi mắc bệnh viêm da cơ địa, da của trẻ sẽ xuất hiện ban đỏ và tróc vảy, thường ở các vùng như mặt, quanh miệng, trán, thân mình, cổ, và bẹn. Bên cạnh đó thì ở một vài trường hợp, các kẽ da (nếp da) cũng thường bị ảnh hưởng.
– Mụn nước nhỏ: Vùng da ban đỏ ở người bệnh mắc viêm da cơ địa cũng có thể xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ.
– Chảy dịch và viêm loét: Các mụn nước nhỏ có thể vỡ ra và chảy dịch, gây viêm loét và có thể xuất hiện hiện tượng đóng vảy, và thậm chí có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát. Điều này thường đi kèm với tiêu chảy và viêm tai giữa.
– Ngứa dữ dội: Sự ngứa ngáy cũng là một triệu chứng quan trọng của viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh và là nguyên chính làm cho trẻ mất ngủ và quấy khóc.
Triệu chứng ở trẻ em (2 – 12 tuổi)
– Da khô ráp và nứt nẻ: Da thường trở nên khô và nứt nẻ, gây ra sự khó chịu và cảm giác ngứa ngáy cho người bệnh.
– Tổn thương da: Các tổn thương da thường xuất hiện ở các vùng sau đầu gối, trên đầu gối, khuỷu tay, và các nếp da (kẽ da).
– Mảng lichen hóa: Có một số bệnh nhân bị viêm da cơ địa còn xuất hiện các mảng lichen hóa dạng đĩa, ban đầu thường ở mặt duỗi, đầu gối, cùi tay, và sau đó lan rộng đến các nếp gấp khác. Da có thể sẩn ngứa và khô.
Triệu chứng ở người trưởng thành
Khác với trẻ nhỏ, triệu chứng viêm da cơ địa ở người trưởng thành thường nhẹ hơn do người lớn đã có sức đề kháng khỏe hơn so với trẻ em:
– Da ban đỏ và mụn nước: Ban đầu, da người trưởng thành khi bị viêm da cơ địa thường xuất hiện nhiều vết ban đỏ bênh cạnh đó trên bề mặt da bạn còn có thể thấy một vài mụn nước nhỏ li ti xuất hiện.
– Chảy dịch và viêm loét: Các mụn nước nhỏ có thể vỡ ra, chảy dịch, và gây viêm loét.
– Ngứa ngáy và sưng đau: Vùng da bị tổn thương thường có triệu chứng ngứa ngáy, gây ra sự khó chịu và nếu bạn càng gãi thì triệu chứng sẽ càng trở nặng và thậm chí là có thể gây cảm giác sưng đau.
– Tổn thương da: Da bị tổn thương có thể bị bội nhiễm, nứt nẻ, loét, mụn mủ, và trở nên sưng nóng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa là một tình trạng da phức tạp, và nguyên nhân gây ra nó có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra viêm da cơ địa:
- Yếu Tố Di Truyền
Nhiều nghiên cứu y học đã xác định một số loại gien có thể liên quan đến bệnh viêm da cơ địa. Điều này có nghĩa là nếu trong gia đình bạn có người bị hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng, thì tỉ lể lây truyền bệnh viêm da cơ địa qua di truyền thường cao hơn. Vì vậy có thể nói, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa.
- Dị Ứng
Bệnh viêm da cơ địa cũng thường xuất hiện ở những người dễ bị dị ứng. Cụ thể, tình trạng này sẽ xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với các chất gây kích ứng như xà phòng, chất tẩy rửa, hoặc dị ứng thời tiết gây ra sự kích thích cho da và gây ra viêm da cơ địa.
- Dị Ứng Thực Phẩm
Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, dị ứng thực phẩm được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm da cơ địa. Đây được cho là phản ứng của cơ thể với các loại thức phẩm kích ứng với cơ thể của người bệnh.
- Nhiễm Trùng Cấp Tính
Các nhiễm trùng cấp tính có thể suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa ở người bệnh. Bên cạnh đó những triệu chứng như nhiễm trùng da hoặc nhiễm trùng nội tiết thì còn có thể gây ra sự viêm nhiễm và triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa.
- Rối Loạn Nội Tiết
Các rối loạn nội tiết, như tiểu đường và bệnh tuyến giáp, có thể ảnh hưởng đến sức kháng của cơ thể và góp phần vào phát triển viêm da cơ địa.
- Căng Thẳng Thần Kinh
Tình trạng căng thẳng thần kinh cũng được cho là một trong những nguyên nhân gây ra sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể và làm tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng viêm da cơ địa.
Tóm lại, viêm da cơ địa là một bệnh phức tạp, và nguyên nhân chính gây ra nó có thể là sự kết hợp của yếu tố di truyền, môi trường, và các yếu tố khác.
Biến chứng của viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể gây ra nhiều biến chứng và tác động đáng kể đến sức khỏe của người bệnh.
– Bệnh Hen Suyễn và Sốt Cỏ Khô: Hơn 50% trẻ bị viêm da cơ địa có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô. Điều này có thể là do cùng một yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khác.
– Viêm Da Thần Kinh Mạn Tính: Viêm da cơ địa có thể biến chứng thành viêm da thần kinh mạn tính. Các triệu chứng bao gồm da có vảy và ngứa mạn tính. Việc gãi liên tục có thể làm tổn thương da, làm thay đổi màu sắc và làm da trở nên dày hơn.
– Nhiễm Trùng Da: Sự tổn thương da do gãi nhiều có thể dẫn đến các vết loét, nứt nẻ, và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da. Vi khuẩn và vi rút có thể xâm nhập vào da tổn thương và gây ra tình trạng nhiễm trùng ở người bệnh viêm da cơ địa.
– Viêm Da Tay: Một biến chứng phổ biến khác của viêm da cơ địa là viêm da tay, đặc biệt là đối với những người làm việc trong môi trường ẩm ướt hoặc tiếp xúc với các chất xà phòng và chất tẩy rửa. Tình trạng này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
– Viêm Da Tiếp Xúc Dị Ứng hoặc Kích Ứng: Tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp, sản phẩm mỹ phẩm, hoặc ô nhiễm môi trường có thể làm gia tăng triệu chứng viêm da cơ địa hoặc gây ra những triệu chứng dị ứng khác.
– Rối Loạn Giấc Ngủ: Triệu chứng ngứa của viêm da cơ địa còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh, gây ra các vấn đề như ngủ không ngon, thức dậy lúc nửa đêm, và sự mất ngủ, dẫn đến sự mệt mỏi và tác động xấu đến sức khỏe tổng thể.
Vì vậy, việc kiểm soát và điều trị viêm da cơ địa đúng cách là quan trọng để tránh các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu bạn hoặc người thân của bạn mắc phải viêm da cơ địa, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị.
Cách điều trị bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính không thể chữa trị hoàn toàn, nhưng bạn vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát nó và thực hiện một vài cách thức để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Dưới đây là một số cách điều trị viêm da cơ địa mà bạn có thể tham khảo:
– Sử Dụng Kem Chống Ngứa: Để giảm cảm giác ngứa, người bệnh có thể sử dụng kem chống ngứa. Kem này giúp làm dịu và giảm triệu chứng ngứa, từ đó tránh việc gãi nhiều, gây tổn thương da. Trong trường hợp ngứa nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine để kiểm soát dị ứng.
– Bảo Vệ Da Bằng Kem Dưỡng Ẩm: Da gặp tình trạng viêm da cơ địa thường sẽ khô và nứt nẻ. Do đó, sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên giúp làm mềm da và giữ cho da đủ ẩm. Cách tốt nhất để điều trị và phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa là bạn nên bôi kem dưỡng ẩm từ 2 đến 3 lần mỗi ngày để tránh tình trạng nứt nẻ và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
– Bôi Kem Kháng Viêm: Khi da của người bệnh gặp tình trạng viêm, sưng đỏ và ngứa, bạn có thể sử dụng kem kháng viêm để làm giảm triệu chứng. Khi triệu chứng đã hết sưng đỏ và ngứa, bạn nên hạn chế sử dụng kem kháng viêm và tập trung vào việc dưỡng da bằng kem dưỡng ẩm. Điều quan trọng là chúng ta nên sử dụng kem kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng để tránh các tác động phụ như thay đổi màu da, làm mỏng, mọc lông, và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
– Điều Trị Kháng Sinh Nếu Da Bị Nhiễm Trùng: Nếu da bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định điều trị bổ sung bằng kháng sinh trong thời gian ngắn. Nếu vết thương hở hoặc có dịch bên trong, người bệnh còn cần đắp gạc và thay băng mỗi ngày để tránh nhiễm trùng bội nhiễm.
– Chườm Lạnh: Chườm lạnh sẽ là một biện pháp giúp giảm viêm và giảm triệu chứng ngứa trên da.
– Quản Lý Stress và Cân Đối Cuộc Sống: Như đã đề cập trước đó, căng thẳng thần kinh có thể làm tăng triệu chứng viêm da cơ địa. Vì vậy, bạn hãy thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng, nghỉ ngơi đủ giấc, tập thể dục đều đặn, và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch.
Và đó là 10 phút tìm hiều về bệnh viêm da cơ địa cùng Blog Sống Khỏe. Hy vọng là với những thông tin trên, chúng mình đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như một vài cách điều trị để giảm các triệu chứng khó chịu của viêm da cơ địa.