Xin chào mọi người lại là Blog Sống Khỏe đây, trong video ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau dành chỉ 10 phút để tìm hiểu về một trong những căn bệnh có tên gọi kỳ lạ – bệnh bạch hầu. Căn bệnh này đã tồn tại và gây ra nhiều tác động đáng sợ trong lịch sử loài người. Nhưng liệu chúng ta đã hiểu đúng về nó? Hãy cùng khám phá sự thật và thông tin quan trọng về bệnh bạch hầu trong 10 phút tới với Blog Sống Khỏe qua những nội dung sau:
- Bệnh bạch hầu là gì?
- Triệu chứng của bệnh bạch hầu
- Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu
- Biến chứng của bệnh bạch hầu
- Cách điều trị bệnh bạch hầu
- Một số phương pháp phòng bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu, hay còn gọi là diphtheria, là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính mà thường xuất hiện với giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản và mũi. Nó cũng có thể tạo ra các biểu hiện trên da và các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc các bộ phận sinh dục.
Điểm đáng chú ý của bệnh bạch cầu là đây là loại bệnh có cả hai yếu tố nhiễm trùng và độc tố, có khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch. Các tổn thương nghiêm trọng trong cơ thể của người bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu, có tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae gây ra. Điều này làm cho bệnh bạch hầu trở thành một căn bệnh nguy hiểm và cần được hiểu rõ để có biện pháp phòng tránh và điều trị hiệu quả.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là một căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính mà triệu chứng ban đầu thường bắt đầu xuất hiện trong khoảng 2 đến 5 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Ở giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu, người nhiễm bệnh có thể sẽ trải qua các triệu chứng như đau họng, ho, sốt và kèm theo cảm giác ớn lạnh. Chính vì những triệu chứng khá giống với tình trạng cảm lạnh nên thường chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh bạch hầu. Do đó mà đã có nhiều trường hợp người bệnh tự cho rằng họ chỉ đang mắc bệnh cảm lạnh thông thường mà không nhận biết được rằng họ đã phơi nhiễm với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu đó bạn.
Triệu chứng cụ thể của bệnh bạch hầu có thể biến đổi tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh và mức độ nhiễm trùng. Sau đây sẽ là một số triệu chứng phổ biến của bệnh bạch hầu:
- Triệu chứng ban đầu
– Đau họng.
– Ho và sốt kèm theo cảm giác ớn lạnh.
– Sự tiến triển của triệu chứng từ nhẹ đến nặng.
- Bệnh bạch hầu mũi trước
– Sổ mũi và chảy mũi với chất mủ nhầy, có thể kèm máu.
– Màng trắng có thể xuất hiện ở vách ngăn mũi.
- Bệnh bạch hầu họng và amidan
– Mệt mỏi và đau cổ họng.
– Chán ăn.
– Sốt nhẹ.
– Xuất hiện ám hoại tử màu trắng xanh và dai tạo thành lớp giả mạc trên amidan hoặc trong hầu họng.
– Các triệu chứng nhiễm độc toàn thân như sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ, làm cổ bạnh ra như cổ bò.
– Trong trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân có thể trở nên phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn và hôn mê. Tình trạng này có thể nguy hiểm đến tính mạng và dẫn đến tử vong trong vòng 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.
- Bạch hầu thanh quản
– Sốt.
– Khàn giọng.
– Ho.
– Các giả mạc có thể tạo thành tắc đường thở, gây suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị.
- Bạch hầu ở các vị trí khác
Vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da hoặc niêm mạc tại các vị trí như niêm mạc mắt, âm đạo, hoặc ống tai. Thường rất hiếm gặp và nhẹ.
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu
Như đã đề cập, nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu chủ yếu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae.
Bệnh bạch hầu có thể lây lan dễ dàng từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Các tiểu phân, giọt bắn nước bọt chứa vi khuẩn bạch hầu khi nói chuyện hoặc hắt hơi từ người bệnh có thể tiếp xúc với màng niêm mạc của người khác và gây lây lan truyền nhiễm. Vì vậy mà một trong những nguyên nhân gây bệnh bạch hầu phổ biến, thường xảy ra qua các cử chỉ tiếp xúc gần như trò chuyện, hôn, hoặc chia sẻ đồ ăn uống.
Ngoài ra, bệnh bạch hầu cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng cá nhân, hoặc bề mặt có chứa chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Điều đặc biệt đáng lưu ý là người mắc bệnh bạch hầu có thể lây truyền vi khuẩn cho người khác trong khoảng 6 tuần kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn, mặc dù họ không còn triệu chứng của bệnh.
Thông thường, bệnh bạch hầu sẽ tác động mạnh nhất lên mũi, họng, và đường thở của người nhiễm bệnh, nhưng trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, vi khuẩn có thể lan đến các cơ quan khác trong cơ thể, như tim, não và thận, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng của bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, đặc biệt là khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
– Biến chứng nhiễm độc toàn thân: Triệu chứng nhiễm độc toàn thân bao gồm sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ, làm cổ bạn có cảm giác bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng có thể dẫn đến tình trạng phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn và hôn mê.
– Tắc nghẽn đường thở: Trong trường hợp bạch hầu lan đến thanh quản, các giả mạc màu trắng xám mọc thành mảng lớn sẽ trở nên dày đặc, gây suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong nếu không có sự can thiệp kịp thời.
– Một số biến chứng nguy hiểm khác: Khi trẻ em mắc bệnh bạch hầu mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân có thể sẽ trở nặng khi chuyển biến thành viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, trụy tim mạch gây tử vong. Ngoài ra, bệnh bạch cầu cũng ghi nhận một số bệnh nhân gặp biến chứng thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
Cách điều trị bệnh bạch hầu
Việc điều trị bệnh bạch hầu đòi hỏi sự can thiệp kịp thời và hiệu quả. Dưới đây là các biện pháp điều trị chính để đối phó với bệnh bạch hầu:
- Sử dụng kháng sinh
Việc sử dụng kháng sinh là một phần quan trọng trong điều trị bệnh bạch hầu. Kháng sinh như penicillin thường được sử dụng để loại bỏ vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae khỏi cơ thể. Vì vậy, trong quá trình điều trị bệnh bạch hầu, sử dụng kháng sinh càng sớm càng tốt sẽ ngăn chặn sự lan truyền của vi khuẩn một cách hiệu quả đó bạn.
- Phòng ngừa biến chứng
Người bệnh cần được quan sát và điều trị triệu chứng nhiễm độc toàn thân và tắc nghẽn đường thở một cách kịp thời. Điều này đặc biệt quan trọng trong những trường hợp nghiêm trọng để duy trì lưu thông của đường thở ở người mắc bệnh bạch hầu.
- Tiêm phòng
Với một số trường hợp, người bị bệnh bạch hầu sẽ được cho tiêm một loại giải độc tố nhằm chống lại độc tố của vi khuẩn bạch cầu.
Ngoài các biện pháp cơ bản này, trong những trường hợp bệnh nặng và đặc biệt, như khi bệnh nhân đã gặp biến chứng gây tắc nghẽn đường thở nghiêm trọng thì sẽ cần phải có sự can thiệp y tế khẩn cấp. Điều này có thể bao gồm việc mở đường thở, hỗ trợ hô hấp, đặt máy tạo nhịp cho tim, và quản lý tình trạng nhiễm độc toàn thân.
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự lan truyền của bệnh, giảm nguy cơ biến chứng, và bảo vệ sức khỏe của người bệnh.
Một số phương pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm và dễ lây lan mà ta cần phải chú ý và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cụ thể để bảo vệ sức khỏe của mình và của cộng đồng.
- Vệ sinh cá nhân
Việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm là một trong những biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa lây truyền của vi khuẩn bạch hầu. Các bạn hãy nhớ rửa tay cẩn thận trong ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc các bề mặt tiềm ẩn vi khuẩn. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay của bạn để ngăn vi khuẩn lây lan qua giọt bài tiết.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, và họng hàng ngày
Duy trì vệ sinh cá nhân hàng ngày là quan trọng để giảm nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn bạch hầu. Hãy cắt móng tay ngắn và không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn tay, ấm đun nước, đồ ăn uống. Đây sẽ là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để bảo vệ sức khỏe của bạn.
- Giữ môi trường sạch sẽ
Môi trường sống và làm việc của bạn cũng cần phải được duy trì sạch sẽ và thoáng đãng. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học có đủ ánh sáng và thông thoáng giúp giảm nguy cơ lây truyền của bệnh trong môi trường này. Đặc biệt là trong mùa đông hoặc trong các khu vực có thời tiết lạnh, thông thoáng là rất quan trọng để giảm nguy cơ lây truyền qua không khí.
- Cách ly và điều trị kịp thời
Nếu bạn hoặc ai đó trong gia đình hoặc cộng đồng của bạn có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, hãy cách ly ngay lập tức và đưa đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, và điều trị kịp thời. Việc này giúp ngăn chặn sự lan truyền của bệnh trong cộng đồng và bảo vệ sức khỏe của người bệnh.
- Tiêm phòng bằng vắc-xin
Tiêm phòng bằng vắc-xin phòng bệnh bạch hầu là một trong những biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh. Những loại vắc-xin này thường sẽ được cung cấp cho trẻ em trong các chương trình tiêm chủng và giúp tạo ra miễn dịch đối với vi khuẩn bạch hầu, giảm nguy cơ mắc bệnh và lan truyền nó trong cộng đồng.
Bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời. Để đối phó với bạch hầu, chúng ta cần cùng nhau thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả việc tuân thủ lịch tiêm phòng và duy trì vệ sinh cá nhân hàng ngày. Việc này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của mọi người và ngăn chặn sự lan truyền của căn bệnh nguy hiểm này. Hy vọng với 10p vừa qua, Blog Sống Khỏe đã giúp bạn hiểu ra hơn về căn bệnh bạch hầu, giúp bạn xây dựng kế hoạch chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân thật an toàn và khỏe mạnh.