Bệnh thủy đậu (hay trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh, xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn vào mùa xuân, thời tiết nồm ấm. Vì vậy hôm nay Blog sống Khỏe sẽ cùng bạn tìm hiểu những tác nhân chính gây ra căn bệnh phổ biến này nhé!
#BlogSongKhoe #BenhThuyDau
Xem thêm tại: https://www.youtube.com/watch?v=ZTM7f3jiijs&t=16s
Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu là một loại bệnh truyền nhiễm ở da do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Biểu hiện ban đầu của bệnh thủy đậu là nổi các mụn nước trên da và niêm mạc, cơ thể sốt cao, suy nhược, mệt mỏi. Bệnh có tốc độ lây lan khá nhanh, truyền nhiễm trực tiếp từ người sang người và có thể bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời.
Triệu chứng của bệnh Thủy Đậu:
Được nhận biết qua 4 thời kì sau:
1.Thời kì ủ bệnh: Có thể kéo dài 10 – 21 ngày sau khi virus varicella zoster xâm nhập và không có các biểu hiện qua da ở thời điểm này.
2. Thời kỳ khởi phát: Người bệnh bắt đầu có các dấu hiệu sốt nhẹ, mệt mỏi và phát ban nhẹ trong khoảng 24 – 48 giờ.
3. Thời kỳ phát bệnh (thời kỳ mọc ban): Đầu tiên có thể xuất hiện hạch sau tai, cổ do hệ miễn dịch sinh ra phản ứng với loại virus lạ xâm nhập. Bắt đầu xuất hiện các nốt màu đỏ, vài giờ sau thành nốt phỏng nước trong, hình tròn trên da và niêm mạc khắp toàn thân gây ngứa.
4. Thời kỳ hồi phục:
Sau 4 – 6 ngày phát bệnh, nốt trái rạ sẽ tự khô, đóng vảy màu nâu sẫm, vảy bong ra sau một tuần. Nếu bệnh được phát hiện kịp thời sẽ không để lại sẹo vĩnh viễn, trừ khi có loét và nhiễm. Sau 7 – 10 ngày phát bệnh, các nốt mụn, bong bóng nước sẽ vỡ ra, khô lại và đóng vảy. Thời gian này nên kết hợp sử dụng thêm thuốc bôi ngoài da đặc trị để giúp quá trình tróc vảy nhanh hơn và hạn chế khả năng để lại sẹo thâm, sẹo rỗ ảnh hưởng tới làn da của bạn.
Xem thêm: Bệnh QUAI BỊ dấu hiệu là gì, biến chứng nguy hiểm không?
Biến chứng nguy hiểm của bệnh Thủy Đậu:
Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể là nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát tại các nốt mụn nước và thủy đậu xuất huyết bên trong: Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ do mụn nước bị vỡ, trầy xước, bong tróc dẫn đến nhiễm trùng, tạo mủ, lở loét. Những nốt mụn này về sau sẽ để lại sẹo sâu khó trị khỏi.
Viêm não, viêm màng não do thủy đậu: Biến chứng của thủy đậu xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ, xuất hiện sau khi nổi bong bóng nước 1 tuần. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc biến chứng này ở người lớn thường cao hơn. Biến chứng có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời, đi kèm với các dấu hiệu nhận biết như sốt cao, co giật, người hôn mê, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu.
Viêm phổi thủy đậu: Biến chứng thủy đậu này thường xảy ra ở người lớn, ở ngày thứ 3 – 5 của bệnh với các biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, đau tức vùng ngực, khó thở.
Viêm cầu thận cấp: Biến chứng thủy đậu này khiến bệnh có diễn tiến nặng sẽ ảnh hưởng đến thận, gây viêm thận, viêm cầu thận cấp với các dấu hiệu như tiểu ra máu, suy thận.
Viêm gan: Biến chứng thủy đậu này hiếm xảy ra và không có biểu hiện bệnh rõ ràng. Những biểu hiện thường gặp chỉ là khó tiêu, buồn nôn, hệ miễn dịch suy giảm.
Viêm tai ngoài, tai giữa: Biến chứng của người mắc bệnh thủy đậu thể bị viêm tai trong trường hợp mụn thủy đậu mọc trong tai gây viêm loét, lở ngứa.
Bệnh zona thần kinh: Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, virus Varicella Zoster (VZV) vẫn tồn tại ở rễ dây thần kinh. Khi hệ thần kinh suy yếu, virus tái hoạt động và gây bệnh zona thần kinh.
Viêm thanh quản: Người bệnh thủy đậu có thể bị viêm thanh quản trong trường hợp mụn thủy đậu mọc trong trong khoang miệng hay niêm mạc miệng gây nhiễm trùng, sưng tấy.
Xem thêm: Dấu hiệu đầu tiên của bệnh tim không được xem nhẹ
Phương pháp điều trị bệnh Thủy Đậu:
Đối với người khỏe mạnh, bệnh thủy đậu tự giảm đi không cần uống thuốc.
Dùng thuốc kháng virus để giảm biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra cho những người có nguy cơ nhiễm trùng cao và hệ miễn dịch kém.
Những người mắc bệnh thủy đậu cần dùng một số thuốc trị dị ứng, kem thoa như calamine để giảm ngứa, rát
Nên uống nước nhiều, hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây bệnh thủy đậu ảnh hưởng tới mọi người xung quanh.
Không được dùng thuốc aspirin cho trẻ em khi mắc bệnh thủy đậu, mà nên dùng các loại thuốc giảm sốt không chứa aspirin để làm hạ sốt ở trẻ.
Khi mắc bệnh thủy đậu cần vệ sinh da sạch sẽ, sử dụng thuốc tím hoặc dung dịch xanh methylen để chấm vào các vết loét
Xem thêm: Dấu hiệu sớm nhất của ĐỘT QUỴ mà ai cũng xem thường
Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh Thủy Đậu:
Hiện nay, chủng ngừa vaccine thủy đậu là cách phòng tránh lây nhiễm bệnh thủy đậu hiệu quả và lâu dài. Đối với trẻ em, việc tiêm ngừa thủy đậu càng quan trọng và cần thiết. Vì vậy, với những gia đình có con nhỏ, cần đưa trẻ đi tiêm ngừa theo lịch tiêm như sau:
Mũi 1 để phòng tránh bệnh thủy đậu: Tiêm khi trẻ trên 12 tháng.
Mũi 2 để phòng tránh bệnh thủy đậu: + 1-13 tuổi: cách mũi 1 ít nhất 3 tháng. + Từ 13 tuổi trở lên: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Nếu tiếp xúc với người mắc thủy đậu mà chưa tiêm ngừa vaccine bạn cần chủng ngừa trong vòng 3 ngày sau đó. Để phòng tránh thủy đậu tuyệt đối không sử dụng chung đồ dùng cá nhân, chạm vào các mụn nước của bệnh nhân. Người bị bệnh thủy đậu cần được cách ly với những thành viên khác trong gia đình cũng như cộng đồng. Phòng ở của người bệnh thủy đậu cũng phải thường xuyên vệ sinh bằng các dung dịch tẩy rửa.
Thủy đậu là bệnh ngoài da mà nhiều người dễ mắc phải dặc biệt là trẻ nhỏ. Vì căn bệnh này có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và công việc nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị thủy đậu, vì vậy để phòng bệnh thủy đậu, bạn nên chủng ngừa vaccine thủy đậu đúng liều lượng. Bên cạnh đó, bạn cần thăm khám khi có các triệu chứng bất thường để điều trị kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm nhé!